Các bước làm bài văn nghị luận xã hội

Trong thể làm văn nghị luận thì 2 môn Chứng Minh và Giải Thích là nền tảng cho các loại còn lại. Binh luận hay Phân tích thực chất cũng là sự kết hợp pha trộn giữa Chứng Minh và Giải Thích. Khi Phân tích thì phần giải thích nặng hơn chứng minh, khi Bình luận thì phần chứng minh nặng hơn giải thích. Do đó, nắm rõ phương pháp Chứng Minh và Giải Thích sẽ giúp cho việc làm văn trở nên dễ dàng hơn.

1. Dàn ý đối với nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý

A.Mở bài:
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận, trích dẫn nguyên văn câu nói, câu danh ngôn…

B. Thân bài:
Ý 1: Giải thích rõ nội dung tư tưởng, đạo lí (giải thích các từ ngữ, khái niệm).
Ý 2: Phân tích các mặt đúng của tư tưởng đạo lí (dùng dẫn chứng trong lịch sử, văn học, cuộc sống để chứng minh).
Ý 3: Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng đạo lí (dùng dẫn chứng trong lịch sử, văn học, cuộc sống để chứng minh).
Ý 4: Đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lí (ngợi ca, phê phán)
C. Kết bài: – Khái quát lại vấn đề NL.
– Rút ra bài học nhận thức, hành động cho bản thân, cho mọi người

5 bước làm văn nghị luận về tư tưởng đạo lý

Bước 1: Giải thích (là gì)

Phần này thường trả lời cho câu hỏi là gì, như thế nào… Trước hết, người viết cần tìm và giải thích nghĩa của các từ được coi là từ khóa; nếu đặt nó vào hoàn cảnh cụ thể trong cả câu nói thì nó biểu hiện ý nghĩa gì. Qua đó rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng đạo lý, quan điểm của tác giả thể hiện thế nào qua câu nói.

Bước 2: Phân tích (tại sao)

Học sinh trả lời câu hỏi tại sao vấn đề này lại đúng hoặc không đúng, không phù hợp, đồng thời dùng dẫn chứng thực tiễn để chứng minh lập luận của mình, giúp phần bàn luận sâu sắc và thuyết phục người đọc, người chấm thi.

Bước 3: Bác bỏ (nếu không như vậy thì thế nào)

Đây là thao tác khó nhưng thể hiện bản lĩnh của người viết và quyết định nhiều đến điểm số bài thi. Bác bỏ bằng cách lật ngược vấn đề vừa bàn luận, nếu vấn đề là đúng thì đưa ra mặt trái của vấn đề. Ngược lại, nếu vấn đề sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai.

Bước 4: Bình luận, đánh giá (có giá trị gì, tác động ra sao)

Đánh giá xem vấn đề đó đúng hay sai, còn phù hợp với thời đại ngày nay hay không, có tác động thế nào đến cá nhân người viết, ảnh hưởng thế nào đến xã hội nói chung.

Bước 5: Bài học nhận thức và hành động (tích cực)

Đầu tiên là bài học rút ra cho bản thân người viết (rút ra bài học gì, bản thân đã làm được chưa, nếu chưa thì cần làm gì để đạt được…). Tiếp theo, đối với gia đình, những người xung quanh và xã hội thì bài học nhận thức là gì, thuyết phục mọi người cùng áp dụng và hành động.

Tuân thủ các bước, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và đưa ra dẫn chứng thực tế, kết hợp sử dụng thêm câu châm ngôn, tục ngữ, ca dao để cho thấy kinh nghiệm sống phong phú, có hiểu biết sâu rộng cả trong quá khứ và hiện tại, bài viết của các em sẽ được đánh giá tốt và đạt điểm cao”.

7 bước làm văn nghị luận về tư tưởng đạo lý

Bước 1: Cắt nghĩa từ khóa, giải nghĩa từ then chốt

Bước 2: Khẳng định câu nói đó là đúng hay sai? Tại sao đúng? tại sao sai?

Bước 3: Phân tích để làm rõ nhận định của mình, dùng các luận chứng để lật lại vấn đề

Bước 4: Lấy ví dụ, phân tích ví dụ để chứng minh ý nghĩa của câu nói đó đối với cuộc sống

Bước 5: Liên hệ với bản thân, với thực tế ( Chủ yếu là tầng lớp học sinh, thanh niên )

Bước 6: Rút ra bài học cho cả bản thân và mọi người ( Chủ yếu là giới trẻ )

Bước 7: Phê phán những người đi ngược lại chân lý, tư tưởng đó đồng thời ngợi ca những tấm gương đang có lý tưởng sống đúng

2.  Đối với loại đề về một hiện tượng xã hội

A. Mở bài:
Giới thiệu hiện tượng cần nghị luận.

B. Thân bài
– Ý 1: Nêu rõ hiện tượng (giải thích khái niệm).
– Ý 2: Phân tích các mặt đúng-sai, lợi hại (thực trạng của vấn đề cần bàn luận, chứng minh bằng các dẫn chứng)
– Ý 3: Chỉ ra nguyên nhân.
– Ý 4: Bày tỏ thái độ, ý kiến của bản thân về hiện tượng xã hội đó (đồng tình, không đồng tình). Nêu biện pháp khắc phục.

C. Kết bài: – Khái quát lại một lần nữa vấn đề vừa bàn luận.
– Bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

5 bước làm văn nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống

Để làm bài văn nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống đạt điểm cao, học sinh cần thành thục các bước và chọn cách viết phù hợp, ấn tượng.

Bước 1: Giải thích

Tìm và giải thích nghĩa của các từ được coi là từ khóa mà đề bài đưa ra. Tuy nhiên không phải sự việc nào cũng cần giải thích vì có những khái niệm phổ biến mà ai cũng biết như tai nạn giao thông, nói tục chửi thề…

Bước 2: Nêu hiện trạng

Dựa vào thực tế đời sống để trả lời các câu hỏi sự việc, hiện tượng này xuất hiện ở đâu, xuất hiện vào thời gian nào, diễn ra ở quy mô nào, đối tượng của sự việc hiện tượng là ai, mức độ ảnh hưởng ra sao…

Bước 3: Lý giải nguyên nhân

Lập luận theo hai hướng nguyên nhân khách quan (tác động từ bên ngoài như pháp luật, nhà nước, xã hội…) và nguyên nhân chủ quan (do nhận thức, ý thức, thói quen của con người…).

Bước 4: Đánh giá hậu quả/ kết quả

Dù là hiện tượng tích cực hay tiêu cực thì đều dẫn đến một kết quả hay hậu quả tương ứng. Nếu đó là hiện tượng xấu thì cần nhấn mạnh khía cạnh đạo đức, nâng cao nhận thức, ý thức của con người để giảm thiểu, loại bỏ hiện tượng đó khỏi đời sống xã hội.

Bước 5: Giải pháp

Dựa vào phần đánh giá hậu quả/ kết quả để đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với hậu quả thì phải đưa ra giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn; nếu là kết quả thì phải khuyến khích, cổ vũ, khích lệ và phát triển.

7 bước làm văn nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống

Ngoài 5 bước trên các bạn cũng có thể tham khảo 7 bước làm bài văn nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống sau:

Bước 1: Cắt nghĩa từ khóa, nêu hiện tượng đó trong cuộc sống
+ Hiện tượng ấy có phổ biến hay không?

Bước 2: Phân tích hiện tượng đó trong đời sống thực tế ( diễn ra như thế nào? )

Bước 3: Chỉ ra nguyên nhân và hệ quả của hiện tượng

Bước 4: Lấy ví dụ để chứng minh hiện tượng ấy có lợi hay có hại

Bước 5: Liên hệ với bản thân

Bước 6: Rút ra bài học cho mình và mọi người ( liên hệ thực tế đến giới trẻ )

Bước 7: Phê phán ( đối với hiện tượng xấu ) ca ngợi ( đối với hiện tượng tốt ) đưa ra lời khuyên hợp lý

3. Chú ý về nêu dẫn chứng

Trong bài văn nghị luận dẫn chứng rất quan trọng, dẫn chứng hay, xác đáng cũng giống như nụ cười làm sáng bừng khuôn mặt. Dẫn chứng phải tiêu biểu, cụ thể, chính xác, toàn diện, vừa đủ. Trong bài văn nghị luận xã hội nên hạn chế lấy dẫn chứng trong tác phẩm văn học.
Dẫn chứng cần có độ khái quát chỉ chắt lọc những điều cơ bản nhất, tránh tình trạng sa vào kể lại dẫn chứng.

Một yếu tố khác cũng quan trọng là chữ viết phải rõ ràng, cẩn thận sẽ giúp người đọc có thiện cảm hơn với bài viết của mình.

Chú ý về thời gian

Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên thí sinh cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, chúng ta cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.

Ví dụ các dạng câu hỏi nghị luận xã hội

  1. “Như một thứ a xít vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội”. Từ ý kiến trên, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay (đề thi ĐH khối C, năm 2010)
  2. “Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng”. Từ ý kiến trên, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về sự nguy hại của đạo đức giả đối với cuộc sống con người (đề thi ĐH, khối D, năm 2010)
  3. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về ý kiến sau: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa (đề thi ĐH, khối D, năm 2009)
  4. Phải chăng “cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống” (Norman Kusin). Hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.
  5. Anh/ Chị hãy bình luận ca từ sau đây trong một bản nhạc của Trịnh Công Sơn: “Sống trên đời cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?”.
  6. Trong một lần trả lời con gái thế nào là hạnh phúc, Mác nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Anh/chị hiểu câu nói trên như thế nào?
  7. “Mọi lí thuyết đều màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Gớt). Anh/chị hiểu câu nói trên như thế nào”?
  8. Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
  9. Viết bài tham gia cuộc vận động tìm giải pháp bảo đảm an toàn giao thông hiện nay.
  10. Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về bệnh thành tích – một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay. Có thể so sánh liên hệ với trường và lớp anh/ chị đang theo học.
  11. “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới” (M. Gorki). Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.
  12. Nhà văn Nga Lev Tolstoi nói “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Hãy nêu ý kiến của anh/chị về vấn đề trên.
  13. “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Dựa vào câu thơ trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ riêng của anh/ chị..

Chúc các em làm bài thi môn văn thật tốt và đạt kết quả như mong đợi .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *