Phân tích ý nghĩa đoạn thơ trong bài Tạm biệt của Tố Hữu

Đề bài: Anh (chị) hiểu như thế nào về ý nghĩa của đoạn câu thơ sau:

“Tạm biệt đời ta yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ. Một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho – chết cũng là cho”

(“Tạm biệt) – Tố Hữu trích “Tố Hữu sống trong lòng nhân dân và đất nước” – Nxb Văn học, 2003)

Bằng hiểu biết về con người và sáng tác của Tố Hữu, hãy bình luận và làm sáng tỏ ý nghĩa đó.

Bài văn mẫu Phân tích ý nghĩa đoạn thơ trong bài Tạm biệt của Tố Hữu

Mở bài: Phân tích ý nghĩa đoạn thơ trong bài Tạm biệt của Tố Hữu

Lẽ thường, khi giã biệt cõi đời, người ta hay nghĩ đến điều còn – mấy và những tâm tình trong khoảnh khắc chông chênh giữa sự sống và cái chết, trái tim bao giờ cũng cất lên những lời thiết tha, chân thành. Mãn Giác Thiền Sơ trước lúc viên tịch mong gửi lại một nhành mai niềm tin. Nhà thơ Thanh Hải, giây phút nằm trên giường bệnh nguyện làm “một mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến trọn vẹn cho đời.

Thân bài: Phân tích ý nghĩa đoạn thơ trong bài Tạm biệt của Tố Hữu

Còn Tố Hữu, con người suốt đời gắn bó với lý tưởng cộng sản thì để lại những ước ao, tâm niệm giản dị và lắng sâu:

Tạm biệt đời ta yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ. Một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho – chết cũng là cho.

Có những người khi ra đi, không một lời trăng trối, không một chút nhắn gửi. Lại có người muốn trút hơi thở cuối cùng bằng việc dặn dò con cháu. Còn với Tố Hữu, trăn trở cuối cùng lại tha thiết với cuộc đời: “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất”. Hóa ra cuộc đời là nơi tác giả gửi gắm bao trìu mến, yêu thương. “Tạm biệt” chứ không phải “vĩnh biệt”, một sự ra đi chứ không phải lần vĩnh quyết. Chào nhé cuộc đời, người bạn thân thiết của tôi. Câu thơ cất lên tha thiết, tâm tình như ngỏ với một tri ân “đời ta yêu quý nhất” có nghĩa là trong trái tim Tố Hữu, cuộc đời được đặt ở vị trí trang trọng, thiêng liêng nhất. Áp tay vào tim, thất nhịp đời thổn thức. Dòng máu nóng cuộn dâng, cũng là giục giã của cuộc đời. Nói về cái chết mà nhà thơ thanh thản đến lạ lùng. Ra đi, lẽ tất nhiên người ta hay suy nghĩ về cái hư vô và cái hiện hữu, cái biến tan và cái trường tồn, bất biến. Còn lại gì của cuộc đời nghệ sĩ, thì đó là: “Còn mấy vần thơ. Một nắm tro”.

Dấu chấm giữa dòng chia câu thơ thành hai vế. Một nửa thuộc về tinh thần và một nửa thuộc về thể xác. Thể xác là cái hữu hình, vậy mà cuối cùng cũng biến tan, vô nghĩa. Còn văn chương, thường mong manh, trừu tượng hóa ra là vĩnh hằng. Tố hữu có được may mắn hơn người thường bởi còn để lại cho đời “mấy vần thơ”. Ngỡ rằng ra đi là hết. Nhưng nhà thơ nguyện cống hiến tới cùng, biến cái chết thành sự hữu ích: “Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất”. Những vần thơ sẽ gửi đi muôn nơi, ở lại trong trái tim những người đồng hành, hay nói như Xuân Diệu: là phấn đưa hương. Ngay đến cát bui trần thơ, một nắm tro tàn của thể xác cũng phải làm cây xanh. Vậy là con người dẫu có mất đi thì hai phần vật chất và tâm linh đều hóa vào “đời ta yêu quý nhất”. Một nguyện ước thiết tha được đáp trả bằng sự tận hiến chân thành. Đất mẹ sẽ đón nhận mà vun xới cho cây cối, dân tộc sẽ níu giữ những vần thơ say mê mà “thanh lọc” tâm hồn. Như thế có nghĩa, Tố Hữu đã đi trọn vẹn một con đường cát bui của thế nhân, một đời người như thế, còn dám mong ước gì hơn.

Từ tâm niệm chân thành, nhà thơ phát biểu một một quan niệm nhân sinh, một triết lý sống sâu sắc: “Sống là cho, chết cũng là cho”. Điểm bắt đầu hay điểm kết thúc của đời người đều hội tụ ở điểm nút: hy sinh. Lẽ sống là dâng hiến, không chút băn khoăn, không gợi toan tính. Câu thơ vang lên rõ ràng, dứt khoát, vững vàng như một lời khẳng định. Không phải cho đến lúc cuối cuộc đời, từng trải qua bao sóng gió mới cho nhà thơ cái nhìn tỉnh táo và sâu sắc. Ngay những ngày háo hức chào đời, người nghệ sĩ ấy đã phát hiện: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Chỉ có điều, trong khoảnh khắc cái chết cận kề, người mới thấm thía tận cùng lẽ hiến dâng: “chế cũng là cho”. Không nhận chút gì về mình, cứ như một mũi tên vun vút hướng về phía trước. Cuộc đời ấy đúng là “cuộc đời chiến đấu”.

Chẳng một phút giây chần chừ, xiêu ngã. Bốn câu thơ ngắn gọn như đi nguyện cuối cùng của một đời thơ, đời người. Nguyện gắn bó thiết tha và hiến dâng trọn vẹn với cuộc đời, xét đến cùng là niềm tin yêu, say mê với lý tưởng cộng sản, với cuộc sống nhân dân. Đó cũng là lúc nhà thơ hiến dâng cho đời một lẽ sống, một lý tưởng sống giản dị mà thiêng liêng, một chút thơ chân thật mà tươi xanh sức sống của hiện thực. Thế đấy, sống chẳng phút nào ngừng gắn bó cuộc đời. Chết, linh hồn vẫn bám riết lấy “đời ta yêu quý nhất”.

 

Có thể thấy, tâm nguyện cả một đời dồn trong bốn câu thơ song không phải là những giáo lý khô khan mà quan niệm ấy của Tố Hữu đã chuyển hóa sinh động vào thơ cũng như khởi nguồn từ chính con người thi sĩ. Không biết đã bao lần, những câu ca dao, dân ca tự xa xưa đã gối ngủ trong thơ người. Cứ trở đi trở lại âm điệu tha thiết của lục bát quê hương. Khẽ ngân rung điệu hò mái nhì, mái đẩy. Tiếng  chèo đã khua dậy sóng nước Hương giang. Văn hóa truyền thống không phải chỉ ảnh hưởng mà đã trở thành muối trong đại dương. Thiếu thất vị mặn mòi của văn hóa dân gian, cơ chừng hồn thơ Tố Hữu cũng mất đi hương vị riêng. Không chỉ gắn với với văn học dân gian, ở Tố Hữu, người ta thấy một niềm tin bất diệt vào lý tưởng cộng sản. Có lẽ trái tim ấy chưa bao giờ nguôi nhịp đập thủy chung, tha thiết với cuộc sống nhân dân. Dẫu có lúc người trai trẻ “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” nhưng ngay khi bắt gặp ánh sáng cách mạng, nguồn năng lượng cảm xúc dồi dào đã được giải phóng để người thanh niên Nguyễn Kim Thành nguyện chiến đấu đến cùng cho Tổ quốc, để ngòi bút băng băng nhờ lực đẩy của lòng yêu đời, say đời. Chưa bao giờ, trái tim nguyên trinh mất đi lòng tin:

Mặc ai lòng dạ đổi thay

Việt Nam vẫn trái tim này nguyên trinh

Chính tấm lòng thủy chung, son sắt đã góp phần tạo nên sự thống nhất, hài hòa giữa con người nghệ sĩ và chiến sĩ, khoảnh khắc ấy hoài thai một phong cách thơ độc đáo – nhà thơ trữ tình – chính trị tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại.

Có những cái chết làm phôi pha hình ảnh con người. Nhưng cũng có sự ra đi để vĩnh viễn bất tử. Đời nghệ sĩ còn gì hạnh phúc hơn khi để lại những vẫn thơ còn mãi trong lòng người. Đời như Tố Hữu dường như bắt cùng một nhịp chảy với đời cách mạng. Kể từ ấy, kiến có khoảnh khắc nào nghệ sĩ rung lên cây đàn độc diễn tâm trạng, bao giờ thơ cũng là bản hòa tấu cảm xúc riêng tư với tình cảm chung. Bài thơ nào cũng được soi bằng vẻ đẹp của lý tưởng. Dẫu tiếng thơ trầm buồn hay một khúc reo ca, khi nào cũng từ cuộc đời lao khổ, chiến đấu mà vút bay.

Ai đã từng đọc những dòng thơ Từ ấy có lẽ còn mãi ám ảnh về sức nóng của cảm xúc mãnh liệt, cuộn sôi. Khi người thanh niên đương bơ vơ bỗng gặp cánh tay chỉ lối, giây phút ấy, thế giới chợt thay màu:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Câu thơ cuốn đưa người đọc vào tâm xoáy của men say mê, lòng nhiệt hứng. Nếu Vội vàng của Xuân Diệu như cháy lên trong niềm khát sống thì bốn dòng thơ của Tố Hữu cũng rực lên tha thiết ngọn lửa của lý tưởng cộng sản. Từ ấy là dấu mốc mở ra một cuộc đời mới, khép lại những ngày tháng “âm u”, “không đổi nhưng mà trôi cứ trôi”. Cảm xúc thơ bừng dậy nhờ một loạt động từ mạnh: “bừng”, “chói” và các cụm từ “đậm hương”, “rộn tiếng chim”. Bí chân lý cách mạng với “mặt trời” là nguồn sáng, hơi ấm, nguồn sống cho vạn vật, kể từ đây, người thanh niên đã tìm thấy hướng đi cho cuộc đời mình. Người ra sống ai cũng cần một phương hướng. Cách mạng đến đã vực dậy nhà thơ, để soi đường, chỉ lối. Những ngày lạc lõng, cô đơn, không còn là “đời ta yêu quý nhất” thật sự đã khoe sắc hương, dậy hương:

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đàn em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ.

 

“Là anh”, “là em”, “là con”. Hóa mình vào dân tộc, thành một tế bào trong cơ thể Việt Nam, chẳng phải là một sự gắn bó thiết tha với cuộc đời hay sao? Vậy là, ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên với lý tưởng, Tố Hữu đã nguyện sống máu thịt với cuộc sống nhân dân lao khổ. Trong giọng điệu trào lên say mê, người đọc nhận ra một trái tim chân thành. Dễ hiểu vì sao, giây phút cuối đời, con người ấy vẫn không hề dừng bút, vẫn chưa thôi hiến dâng.

Thơ Tố Hữu có những lúc lắng sâu khi chạm đến những cảnh đời cơ cực. Cái buồn đau là tiếng buồn vọng ra từ cuộc sống lầy bùn của những vú em, những phận nô lệ. Một tiếng rao đêm mà dậy lên nơi trái tim trong ngục tù cảm giác: “ướt lạnh tê lòng”. Điều gì giúp nhà thơ vượt ra ngoài vách ngăn “ván ghép rầm rì” để lắng nhận một tiếng rao đầy cảm thương như thế? Là bởi tâm hồn ấy đã thấm vào cuộc đời chát mặn này mà thấm thía vị đắng cay. Có khi nghe “tiếng hát Sông Hương”, trái tim như dây đàn căng giữa bao la, một tiếng khóc đưa ngang, đâu thể không rung động “Trời trong veo. Nước cũng trong veo. Em buông mái chèo”. Âm vần “eo” cuộn lại như những xoáy nước cứ hút cuộc đời giang hồ vào bế tắc, cô đơn. Cảm cho những cảnh đời, thơ Tố Hữu có lẽ gần gũi với văn học hiện thực phê phán đương thời song không bi quan, bế tắc. Bao giờ từ cuộc đời tăm tối, con người cũng bước ra ánh sáng. Nhà thơ không chỉ xót thương mà tìm cách giải quyết những nỗi bất hạnh, đắng cay. Nhưng bài thơ mở ra bằng tiếng thổn thức, khép lại bằng niềm tin rạng ngời. Nếu không có sự thủy chung tuyệt đối với lý tưởng, thơ Tố Hữu có rực sáng thương yêu đến thế?

Đời thơ cũng là đời người. Có lẽ chưa ở cá nhân nghệ sĩ nào, người ta lại thấy con đường thơ trùng khít kỳ lạ với con đường cách mạng như Tố Hữu. Mỗi tập thơ là một bước vận động, phát triển cách mạng. Mỗi ý thơ được gieo hạt, ấp ủ trong lòng cuộc chiến đấu gian khổ, lớn lên bằng dòng cảm xúc mãnh liệt của tác giả. Tố Hữu có bao nhiêu năm gắn bó với lý tưởng, dường như cũng là bấy nhiêu năm thơ ông không ngừng sinh sôi. Cho đến cả những năm sau giải phóng thì thơ người vẫn cháy sáng ngọn đuốc của lý tưởng.

Những khi trong ngục tù, con người chiến sĩ cũng như bao con người bình thường khác, cũng có những “trưa thương nhớ”, có nỗi buồn man mác, thương ruộng đồng, làng xóm xa xôi, nhưng choáng ngợp và thôi thúc hơn cả vẫn là ước muốn tháo cũi sổ lồng để lao vào cuộc chiến đấu mới:

Núi hỡi! Từ đây băng xuồng đò

Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường.

Gặp lại ở đây bóng dáng cánh chim “Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán. Phá vòng vây bạn với kim ô” của Nguyễn Hữu Cầu. Song thơ xưa là khát khao được giải phóng tinh thần, là chí nam nhi thì thơ nay lại cháy lên khát khao rất thực chết của một chiến sĩ cộng sản, muốn dang đôi cánh mà bay về với cuộc chiến đấu. Nếu chẳng phải lý tưởng thôi thúc, chẳng phải ý chí dấn thân, nhập cuộc, nguyện ước hiến dâng giục giã, Tố Hữu đấu có được hai câu thơ sôi nổi như thế.

Là nhà thơ trữ tình – chính trị, ngòi bút Tố Hữu gắn chặt với những tình cảm chính trị lớn lao bằng giọng điệu tâm tình tha thiết. Có khi những mối tình rất thiêng liêng lại kết tinh trong những hình ảnh giản dị. Thơ Tố Hữu hay có những tiếng hát tâm tình, rất tự nhiên. Nói tình quân dân mà ví với cá nước, nói sự yêu mến mà thốt lên giản dị “Anh vệ quốc quân ơi. Sao mà yêu anh đến thế”.

Nếu nói thơ ca ra đời để lưu giữ những cảm xúc lớn lao bằng câu chữ giản dị thì thơ Tố Hữu thô hơn ai hết. Say mê với những vấn đề trọng đại của đất nước song không vì thế mà đánh mất, phai nhạt cá tính sáng tạo. Dường như mỗi sự kiện chính trị diễn ra, Tố Hữu đều có thơ. Để ghi chép sự kiện là những trang ký giản đơn hay sao? Không. Đó là những trang lịch sử ghi lại bằng nhiệt huyết – yêu say. Nói về sự quên – mất, còn nhớ của nghĩa tình cách mạng, Tố Hữu có những câu thơ thật thấm thía:

Mình đi mình có nhớ mình

Nhà thơ mượn kết cấu trữ tình “mình – ta”, duyên sáng, tình tứ như những lần hẹn hò, đối đáp, ý thơ gần gũi với ca dao, dân ca. Nhưng thơ là sự khúc xạ đời sống qua cái nhìn chủ quan nghệ sĩ. Mượn hình thức truyền thống nhưng câu thơ vẫn ánh lên nội dung hiện đại. Cũng là chữ “mình” nhưng chữ “mình” thứ ba đi chênh vênh trên nhiều tầng nghĩa: là người bạn ra đi, là chính ta. Chạm đến quên – nhớ của chính lòng mình, ý thơ đi vào chiều sâu của vấn đề. Từ một sự kiện trọng đại, nhà thơ không chỉ miêu tả, kể lại mà chiêm nghiệm, nghĩ suy về nó, trăn trở mà khơi tìm bản chất, nói những điều “chỉ nói được bằng thơ”. Cây bút không ghi chép vô hồn mà chuyển động bằng lực đẩy cảm xúc. Nếu không gắn bó với cuộc kháng chiến, không có cái “giật mình” nhìn lại, không sống trọn vẹn, thủy chung, tình nghĩa, liệu Tố Hữu có trăn trở, băn khoăn, có nhận thức thấm thía lẽ nhớ – quên như vậy?

Yêu lý tưởng, nhà thơ đã kết tinh được tình yêu lãnh tụ sâu xa mà thắm thiết. Hình tượng Bác Hồ trở đi trở lại, bao lần xuất hiện là bấy nhiêu lần in dấu trong thơ người chiến sĩ cộng sản. Hoài Thanh có lý khi cho rằng: Tố hữu viết nhiều bài viết về Bác, không bài nào giống bài nào, nhưng bài nào cũng giống Bác. Nếu một nhà thơ cảm nhận Bác nghiêng về sự giản dị (Minh Huệ) hay một số khác nghiêng về kích thước kỳ vỹ thiêng liêng (Chế Lan Viên)… thì dường như thơ Tố hữu là sự thăng hoa của hai trạng thái ấy. Có lẽ không ở đâu trong thơ lại bật lên tiếng khóc chân thành như Bác ơi. Một tiếng nấc nghẹn trong đời. Giây phút òa khóc trong thơ. Mỗi người Việt Nam, đọc những dòng thơ này, tưởng như trong dòng lệ nhòa ướt từng chữ, có giọt nước mắt xót xa của lòng mình:

Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa.

Chữ “thương” đã chứa chở sức nặng trái tim Hồ Chí Minh, Bác gần gũi thế đó mà cũng thiêng liêng làm vậy. Tình thương vốn cũng giản dị mà lớn lao. Khóc Bác bằng cảm nhận về tình thương của Người kể như cũng đã thấu hiểu một phần con người Bác vậy. Những câu thơ nghẹn ngào, người đọc có cảm tưởng thi sĩ không làm thơ mà khóc thương chân thành đã bật thành câu chữ. Đó chẳng phải là tiếng nói của triệu triệu người Việt Nam, là nỗi đau riêng hòa vào tiếng đời chung khóc Bác hay sao?

Có thể nói, thơ Tố Hữu đã suy nghĩ, trăn trở, vui buồn, yêu thương bằng cam phận phong phú của đời sống nhân dân. Thơ ông ánh lên vẻ đẹp của người lính, bà mẹ, Bác Hồ hay những nghĩa tình cách mạng. Mấy mươi năm cầm bút là ngần ấy tháng ngày nhịp đập thời đại quyện với nhịp đập trái tim. Nguyện gắn đời mình với lý tưởng, thơ Tố Hữu đã trọn vẹn lẽ hiến dâng cho đời, xứng đáng là “là cờ đầu của thơ cách mạng Việt Nam”, đúng là thơ ông “vẫn đang trên đường” và mãi mãi dẫn đường.

Kết luận: Phân tích ý nghĩa đoạn thơ trong bài Tạm biệt của Tố Hữu

Từ lời tâm niệm của Tố Hữu, những ai đã từng có những ý nghĩ ích kỷ, hưởng thụ có lẽ sẽ xấu hổ. Mới hay muốn bất tử, muốn để lại chút ý nghĩa cho đời, nghệ sĩ “sống để hãy viết”, hiến dân trọn vẹn, không nghĩ suy. Nằm dưới lòng đất mẹ, có lẽ Tố Hữu đã thỏa nguyện. Câu thơ mãi ngân nga trong trái tim thế hệ hôm nay. Chẳng phải đó là điểm đến của cõi bất tử hay sao?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *